Nông nghiệp chuyển hướng tích hợp đa giá trị

  09/05/2022

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp và nông dân cả nước, trong hơn 2 năm qua, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí là “trụ đỡ” cho nền kinh tế.

Nhân viên chăm sóc hoa tại vườn lan Ngọc Đan Vy, huyện Bình Chánh. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Dịch COVID-19 kéo dài chưa biết hồi kết, lại thêm xung đột chính trị giữa các nước trên thế giới với diễn biến khó lường. Đó là chưa kể đến những khó khăn luôn thường trực mà sản xuất nông nghiệp phải đối diện như: biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi…

Thời gian này đã minh chứng cũng như củng cố thêm sức mạnh của nông nghiệp Việt Nam với các giải pháp phát triển sản xuất linh hoạt, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Chia sẻ về những nỗ lực cũng như những giải pháp ứng phó với những biến động trên, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh.

Phóng viên: Dịch COVID-19 diễn ra trong hơn 2 năm qua, biến đổi khí hậu cộng thêm xung đột chính trị giữa các nước trên thế giới diễn biến khó lường; Thứ trưởng có thể cho biết, những yếu tố này ảnh hưởng đến việc bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam như thế nào?

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Hơn 2 năm qua, kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và nông nghiệp nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu và gần đây là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Những yếu tố trên đã gây ra một số tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp nước ta, ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Tác động trước hết là giá cả vật tư đầu vào như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… tăng cao. Điều này dẫn đến chi phí sản xuất tăng trong khi tiêu thụ nông sản gặp khó.

Cùng với đó là chuỗi sản xuất, lưu thông cung ứng vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm bị ảnh hưởng. Việc tiêu thụ sản phẩm nông sản kể cả trong nước và xuất khẩu bị gián đoạn, tác động trực tiếp đến sản xuất và thu nhập của người sản xuất.

Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp và nông dân cả nước, trong hơn 2 năm qua, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí là “trụ đỡ” cho nền kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giữ vững ổn định xã hội trong lúc đất nước gặp khó khăn.

Điều đó đã được khẳng định trên kết quả cụ thể là: Năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,75%, năm 2021 tăng 2,9%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD, năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD, vượt 6,6 tỷ USD mức Chính phủ giao.

Năm 2021, sản lượng lúa đạt 43,86 triệu tấn, rau đậu các loại 18,6 triệu tấn, thịt hơi các loại 6,69 triệu tấn, sữa tươi gần 1,2 triệu tấn, trứng trên 17,5 tỷ quả, sản lượng thủy sản đạt 8,73 triệu tấn…

Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Ảnh: Công Mạo – TTXVN

Phóng viên: Thực tế, những bất ổn trên đang gây nên hệ lụy giá hàng hóa đầu vào sản xuất lương thực, thực phẩm tăng cao, xin Thứ trưởng phân tích những tác động tới ngành nông nghiệp và ngành có những giải pháp gì để ổn định thu nhập cho người nông dân?

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Như đã đề cập ở trên, những bất ổn trên đã làm cho giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm tăng cao. Điều này, dẫn đến một số hệ lụy, tác động trực tiếp tới ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực sản xuất lương thực, thực phẩm nói riêng.

Đó là, giá vật tư đầu vào tăng, nhất là mặt hàng phân bón đã làm tăng chi phí sản xuất lương thực, thực phẩm. Giá vật tư đầu vào tăng dẫn đến yêu cầu nguồn vốn đầu tư sản xuất lương thực, thực phẩm tăng trong khi đó nguồn lực của doanh nghiệp và nông dân còn hạn chế.

Hiệu quả sản xuất lương thực, thực phẩm giảm do chi phí tăng trong khi tiêu thụ sản phẩm bị gián đoạn. Kết quả là thu nhập và đời sống của nông dân bị ảnh hưởng.

Để ổn định thu nhập cho người nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của các yếu tố bất lợi nêu trên.

Bộ cũng phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan điều tiết cung – cầu, xuất, nhập khẩu các mặt hàng là “đầu vào” của ngành nông nghiệp; chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra chất lượng vật tư, niêm yết giá. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thay thế vật tư nông nghiệp nhập khẩu.

Ngành nông nghiệp đẩy mạnh khuyến cáo nông dân áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, gia tăng sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bộ chỉ đạo các đơn vị tăng cường nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường; các địa phương mở rộng tổ chức chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; khuyến khích tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp trong nước sản xuất.

Ứng phó với những yếu tố bất thường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo như thành lập hai Tổ công tác đặc biệt của Bộ để thúc đẩy thương mại nông, lâm, thủy sản; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân, doanh nghiệp và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Các đơn vị cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu với những phương thức, cách làm linh hoạt.

Các cấp ngành luôn động viên nông dân tăng cường các hoạt động tạo nguồn thu từ khu vực phi nông nghiệp ở những nơi có điều kiện.

Nhờ thực hiện có hiệu quả những giải pháp trên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thời gian qua tiếp tục được đảm bảo. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021 thu nhập bình quân đầu người/tháng khu vực nông thôn đạt khoảng 4,8 triệu đồng so với 6,3 triệu đồng ở khu vực thành thị.

Phóng viên: Tại Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/32021 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 có đặt vấn đề đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất lương thực, gắn với thị trường. Trong khi đó thị trường thế giới luôn tiềm ẩn những bất ổn, vậy chúng ta cần làm gì để đạt được mục tiêu trên, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Để thực hiện mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu; nâng cao thu nhập cho người dân để bảo đảm tiếp cận được lương thực chất lượng, an toàn được nêu tại Nghị quyết 34/NQ-CP của Chính phủ, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, nhấn mạnh đến việc đổi mới tư duy sản xuất, đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp; tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời, chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”.

Ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, thực hiện định hướng cơ cấu lại ngành theo 3 trục sản phẩm: cấp quốc gia, cấp tỉnh và địa phương. Mục tiêu chung là đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm trong nước về số lượng, chất lượng và xuất khẩu một số sản phẩm.

Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm tiếp tục được quan tâm, nhất là các công trình thủy lợi cung cấp nguồn nước cho sản xuất; các công trình phòng, chống thiên tai bảo vệ kết quả sản xuất; các công trình phục vụ nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất…

Sự đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến lương thực, thực phẩm cần được tăng cường.

Trọng tâm là việc nghiên cứu chọn tạo giống; áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến; cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, gắn với truy xuất nguồn gốc; ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm…

Ngành đổi mới hình thức tổ chức sản xuất lương thực, thực phẩm. Theo đó, tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triến kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ;

Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ; đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm theo chuỗi giá trị.

Đi cùng với đó là việc tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, điển hình như tập trung hoàn thiện chính sách đất đai, quản lý đất trồng lúa; chính sách tín dụng, thương mại hỗ trợ nông dân, các địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lương thực, thực phẩm, đặc biệt là lúa gạo.

Để đẩy mạnh phát triển hệ thống lưu thông và thị trường tiêu thụ lương thực, thực phẩm, chúng ta cần ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông; hệ thống kho dự trữ, bảo quản, chế biến sau thu hoạch; hệ thống thương mại… để người dân có cơ hội tiếp cận nguồn lương thực, thực phẩm.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: bnews.vn

×

FanPage

ProPak Vietnam